Về số báo 15 tháng 10, 1999 và nhiều số khác.
Trong các bài nói về truy quét
tệ nạn mại dâm, tác giả hay đề cập đến bao cao su như
một thứ tang vật. Thậm
chí ở tỉnh NA công an còn
đục cả bể phốt (septic tank) lên để tìm ra bao cao su đã
qua sử dụng làm bằng
chứng. Tôi mạn phép có ý
kiến không nên làm như vậy. Lý do là cách đưa tin có tác
dụng phản tuyên truyền
đối với chiến dịch chống
lây truyền HIV và chống nạo thai.
1. Nhiều người coi chống
được mại dâm thì sẽ chống được lây nhiễm HIV. Đúng.
Nhưng dù cho ta có bắt quả
tang nhiều
đến mấy thì vẫn có khoảng 30 ngàn gái mại dâm hoạt động
trên khắp nẻo đường đất nước,
hàng ngày
vẫn có hàng vạn hay chục vạn người quan hệ tình dục với
gái mại dâm. Nếu chỉ vì sợ "tang vật"
mà 20%
số đó tặc lưỡi đã đủ cho tốc độ lan truyền HIV luôn
vượt trên mức tăng tổng sản phẩm quốc nội.
Chưa kể
nhiều người không hiểu biết về cách phòng chống HIV/AIDS.
2. Tình "cho không" trong
thanh niên và sinh viên hiện nay cũng là một điều phổ biến.
Các thiếu nữ trẻ lại
không
dám mang theo bao cao su trong người vì sợ bị đối tác coi
là "tang vật" của sự từng trải hay tệ hơn
là gia
đình tình cờ tìm thấy. Khách sạn hay nhà nghỉ, nơi họ
lui tới để "cho không" nhau lại cũng sợ để bao
cao su
ở quầy lễ tân sẽ bị coi là "tang vật". Thế thì họ đành
"cho không" mà chẳng có biện pháp phòng
ngừa.
Kết quả là tỷ lệ nạo thai ở nước ta không những sánh
ngang mà còn vượt xa các cường quốc năm
châu.
Nguy cơ lây nhiễm trong nhóm này rất lớn vì không ít số
thanh niên đã từng quan hệ với nhiều đối
tượng
mà không tìm hiểu kỹ lai lịch. Ví dụ: tại Thái Lan tỷ
lệ lây nhiễm HIV do "cho không" (friendly sex)
đã vượt
tỷ lệ lây nhiễm qua gái mại dâm.
Tóm lại, vì tương lai sức
khoẻ của thế hệ trẻ, tôi mong quý báo trong các bài viết
chống tệ nạn mại dâm không
nên đưa việc đếm số bao
cao su đã dùng hay chưa dùng như một thứ tang vật. Nên coi
việc mang theo bao cao su
bên người hay để sẵn tại
khách sạn là một hành vi văn minh.
11/1999