Font Unicode
Tìm hài cốt bằng ngoại cảm... một chiêu lừa quá cũ

An ninh Thế giới, số 162, 27/1/2000

An ninh Thế giới, số 168, 16/3/2000 "Nói chuyện với người chết có hay không"

Báo Văn nghệ Trẻ, 7/5/2000, "Có một nhà ngoại cảm"

Kiểu đi tìm đồng đội đăng trong ANTG 162 chắc đã nhận được nhiều thư thắc mắc và phản đối nên ANTG đành phải
đăng thêm một bài vào số 168 nhằm xoa dịu dư luận. Nếu không có bài báo thứ hai này thì ANTG xứng đáng được gọi là
báo "Chuột" vì vụ họ đăng chuyện chuột bị phóng xạ to như lợn mà thực chất là trí tưởng tượng lấy cắp từ phim
Hollywood (như Godzilla chẳng hạn).

Ông Đỗ Kiên Cường trong số 168 đã giải thích khá hay. Nhất là phân biệt khái niệm "nói chuyện với người đã chết" và
"người chết biết nói chuyện" để phủ nhận vế sau. Tôi vẫn có một số ý kiến như sau:

Cái mà chúng ta gọi là vô thức của con người thực ra là những cơ sở dữ liệu đã được bộ não đưa ra ngoài vòng xắp xếp.
Do con người ghi nhớ sự kiện theo khái niệm nên rất khó có thể tra cứu nếu sự kiện không gắn với một khái niệm nào đó.
Ví dụ nhìn thấy một khuôn mặt mà ta không thể nhớ nổi tên cho đến khi người đó nhắc lại hoàn cảnh gặp gỡ trước đó.
Khi lên đồng, con người gần như ở trạng thái mê ngủ. Khi đó, ý nghĩ chiếm lĩnh chủ đạo sẽ là cây gậy để điều khiển
những giấc mơ nối những bản ghi rời rạc của một hệ cơ sở dữ liệu vốn đã bị bộ não xếp xó. Và nếu chỉ nghĩ về người đã
khuất thì chắc chắn sẽ gặp lại người đã khuất.

Trường hợp của cô BH chắc chắn là do cô H đã nắm được một số thông tin mà thân chủ đã trình bày. Sau đó cô ta lựa lời
nói phét thêm mà chính cô ta cũng không ý thức được vì cái tâm hồn vốn luôn lơ lửng của mình. Không có một bức xạ
tàn dư nào mà lại có thể đếm được ngày tồn tại của chính mình vì bản thân bức xạ không có nguồn năng lượng bổ xung
để duy trì xử lý thông tin. Mọi khả năng xử lý thông tin đều cần đến năng lượng, dù đó là cái máy tính cồng kềnh những
năm 60 hay con chíp nhỏ xíu ngang với các tế bào não. Nếu người chết mà vẫn duy trì được nguồn năng lượng thì chắc
chắn cái thế giới nhỏ bé này không lấy đâu ra năng lượng để cấp cho hàng tỷ tỷ kẻ đã chết mà vẫn lởn vởn quanh ta.

Ngoài ra bài đăng trong số 162 còn phỉ báng các liệt sĩ bằng cách nói họ đã "mong đợi" được quy tập khá lâu. Các liệt sĩ hy
sinh vào những năm tháng đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp đâu có ý nghĩ đó. Họ sẵn sàng hy sinh để đánh Pháp
và không mong gì cho bản thân mình sau này.

Với một đất nước có mật độ dân số cao như nước ta thì đào đâu mà chả có hài cốt. Cơ quan tôi đã từng đào cái bể chỉ sâu
có 2m mà vớ được tận hai bộ hài cốt chồng lên nhau. Nhà máy M. cũng đụng phải hàng đống hài cốt khi đào móng một
công trình mới.

Nước Mỹ phải đợi đến kỹ thuật ADN cách đây mấy năm mới xác định nốt được danh tính của những bộ xương lưu giữ
tại một ô của đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam. Họ rất sợ việc nhầm hài cốt. Thế mà ở ta chỉ bằng mấy nén hương mà
có đến hàng nghìn liệt sĩ đã được "xác định" danh tính.

Có thể so sánh việc bùng phát ngoại cảm ở ta với một thời các nhà chữa bách bệnh qua vô tuyến ở nước Nga mà bây giờ
nhắc đến nhiều người không thể hiểu tại sao họ lại đã tin một cách mù quáng như vậy. Nếu nghiên cữu kỹ ta sẽ thấy cả
hai trào lưu này có một điểm chung: đó là thời kỳ khủng hoảng lòng tin. Nước Nga vào thời kỳ cải tổ bị khủng hoảng
lòng tin nghiêm trọng cho đến khi đạo Cơ đốc Chính thống quay lại ngự trị. Còn ở ta cái khủng hoảng đó còn chưa biết
đến bao giờ mới tạm ổn định vì chưa có một thứ đạo hay giáo nào dám thay thế niềm tin đang lung lay. Đặc điểm chung
của thời kỳ khủng hoảng lòng tin là rất nhiều người tự dưng quay ra tin những điều thần bí vớ vẩn còn các nhà khoa học
lại bỏ hết cả trí tuệ ra để chứng minh những điều vớ vẩn đó.

Thay lời kết, tôi mong những người vừa tìm được hài cốt do cô BH "chỉ đường" hãy mau mau dùng các phương pháp
khoa học từ pháp y đơn giản như đo chiều cao, kiểm tra răng, xác định tuổi hài cốt, nguyên nhân tử vong, xác định hài
cốt được chôn ngay khi chết hay bị vùi lấp dần dần... đến dùng ADN để kiểm định lại xem. Nếu không thì dễ hương khói
lạy nhầm bộ xương của người đời.
 

5/2000
 


Home | Back


  1