Nỏng Khai
Đã nhiều lần đi bằng máy bay từ các tỉnh biên giới giáp Lào đến Bangkok, lần này tôi quyết tâm đi bằng tầu hoả xem sao. Nếu đi từ Viên Chăn đến cầu Hữu Nghị cửa khẩu chỉ mất chừng 8 đô tiền taxi hoặc một đô tiền xe buýt. Nhìn mỏi cổ cũng không thấy nhân viên Hải quan, hầu như khách chỉ cần làm thủ tục hộ chiếu. Phía Lào thao tác hơi lâu vì bạn Lào sử dụng máy tính nối mạng để làm thủ tục xuất nhập cảnh. Phía Thái Lan thì chằng có vi tính vi tiếc gì hết nên xoẹt một cái là xong. Có lẽ đây là bài học cho các vị nào muốn vi tính hoá tất cả các thủ tục hành chính. Vâng, một thể chế quan liêu và rối rắm thì vi tính hoá chắc chắn chỉ đem lại nhiều phiền toái hơn cho nhân dân mà thôi.
Tóm lại là với vài ngàn kíp và mười lăm phút là bạn đã sang đất Thái. Tất nhiên là các cửa hàng miễn thuế có rất nhiều rượu ngoại để làm tăng thời gian lưu trú trên cầu nếu bạn muốn. Từ cửa khẩu đến bến tầu hoả mất 20 bạt xe túc túc. Nếu kéo thêm bọn Tây ba lô đi cùng chắc rẻ hơn. Vé tầu hoả máy lạnh giường tầng hai 545 bạt, ngồi không máy lạnh khoảng 200 bạt (<5$). Vì trời vẫn sớm nên tôi còn dư 2 giờ trước khi tầu khởi hành. Tôi bèn thuê xe đi tìm một cái nhà nghỉ để tắm rửa xả hơi chút. Loanh quanh cũng tìm được một nhà nghỉ nằm sát bên bờ sông Mê Kông. Không có khái niệm thuê theo giờ, một giờ bằng một đêm và bằng 100 bạt. Một cái giường với một cái quạt, phòng vệ sinh và tắm nóng lạnh chung. Trong phòng có một mùi khó chịu làm tôi hình dung đây có thể là bãi đáp tầu nhanh (ST) cho các đôi. Tuy nhiên tôi không định ngủ nên không lo lắm, xin cái khăn mặt đi tắm cái đã.
Xong còn thời gian ra đi dạo trong chợ Đông Dương. Chợ này cũng toàn những thứ như các chợ khác ở Thái Lan nhưng có thêm những cửa hàng bán buôn để đổ hàng sang Lào và cửa hàng bán ống nhòm và kính viễn vọng cầm tay chế tạo tại Nga. Khách du lịch cứ đinh ninh rằng bên Lào có quan hệ lâu đời với Nga nên mua ở đây rẻ hơn nhưng thực chất hàng Nga toàn mang từ Bangkok đến. Bên Lào và Việt Nam hiện nay chỉ có ống nhòm đểu của TQ.
Gọi một chai bia để uống bên bờ sông Mê Kông và nhìn xuống bến đò giờ này đã vắng tanh. Tuy có một cây cầu to tướng nhưng cách chân cầu 2km vẫn là bến đò ngang. Nghe đâu đi qua đò thì hải quan tỉnh lẻ khám có nhẹ tay hơn hải quan Trung ương nên dân buôn vẫn thích đò đưa. Thị xã Nỏng Khai được một tạp chí cho người về hưu ở Mỹ coi là điểm hạ cánh lý tưởng cho các ông già hưu trí Mỹ. Sang đây các ông có thể kiếm các em Lào với giá rất rẻ, hoặc cưới vợ Thái rồi mua nhà mua đất làm ruộng. Siêu thị to nhất Nỏng Khai là Big Jiêng, chỉ sử dụng có một tầng. Khách sạn to nhất ở đây là Mê Kông Royal, $22 một đêm, nằm bên bờ Mê Kông. Mùa khô bãi cát khá rộng, đủ để cắm lều, bơi hay thuê ca nô cao tốc. Các khách sạn khác tầm 10$ đổ lại, không có bể bơi như Mê Kông nhưng cũng khá sạch sẽ, điều hoà chạy vo vo. Nhà khách thì như cái tôi vừa chui vào, chỉ 2.5$ một đêm.
Tàu hoả
Đến giờ ra ga. Tầu hoả Thái Lan có cấu tạo hoàn toàn không phù hợp với tư duy của người Việt ở chỗ giường nằm dọc có ri đô che kín và đồ đạc đặt vào một cái giá bên lối đi chứ không cất xuống gầm giường mà cũng chẳng có cửa khoang. Chắc các cụ nhà ta đi như vậy thì không thể ngủ được vì sợ mất đồ và giày dép. Tàu chuyển bánh, trưởng toa đi trải ga cho từng giường một. Ga, gối, chăn đều giặt là sấy sạch sẽ tinh tươm. Sau khi thấy mọi người đều vô tư vứt đồ đạc leo lên giường hay đi ăn tôi cũng liều bỏ đồ đạc lại đi kiếm toa ăn. Đi qua sáu toa, mở hàng tá cái cửa kéo mới đến toa ăn nên phần lớn mọi người đặt cho hai người phục vụ mang đến tận nơi. Tôi thì đằng nào cũng chén một mình nên quyết đi qua sáu toa xem tình hình ra sao. Sau khi đi hết thêm hai toa lạnh là đến toa ngồi không điều hoà. Lại thêm một thứ trái với suy nghĩ của người Việt: Tây nằm ngồi ngổn ngang trong toa ngồi không điều hoà trong khi người Thái thì chiếm hết toa nằm điều hoà. Hôm trước khi đi máy bay tôi cũng ngạc nhiên vì cả chuyến bay (ba chuyến/ngày) bay từ Ubon về Bangkok chỉ có một tá Tây trong đống hơn 200 người Thái. Món quen thuộc của tôi khi đi Thái là cơm rang, nó không ngon lành gì nhưng được cái là không có ớt.
Đêm thật là lạnh mặc dù tôi đắp chăn và mặc áo len khi đi ngủ. Dân Thái hay bật máy lạnh tầm 18-20oC. Giá như cả thế giới này biết là thêm một độ lạnh nhân tạo là góp phần làm cho thế giới nóng hơn.
Bangkok
Sáng ra là đến Bangkok, tầu bắt đầu chạy chậm. Qua Chiang Rak (ga tầu đến AIT) rồi đến sân bay, ngày càng có nhiều người xuống làm tôi nhận thức ra là nếu xuống ga xe lửa chính vào tầm 7 giờ sáng ngày thứ năm thì chắc phải ngồi taxi hàng tiếng cũng không đến khách sạn. Thế là vác đồ nhảy xuống ga gần nhất theo bản đồ, vậy mà taxi khi xem tên khách sạn cũng phải thốt ra “sẽ có tắc đường đấy”. Thực ra chỉ có mấy ngã tư phải đợi hai hay ba xanh mới qua được, còn lại khá ngon.
Cái mà tôi gọi là khách sạn thực chất là một toà nhà căn hộ cho thuê cao 18 tầng chỉ có vài tầng dành cho khách thuê theo ngày. Giá vẫn là 500 bạt/đêm (12 đô) nhưng không có ăn sáng và không có Internet miễn phí như trước. Bể bơi mới được làm lại cho to hơn. Tôi thích nơi này vì nó không nằm trong trung tâm nên không khí sạch sẽ, phòng có ban công nên giặt đồ phơi thoải mái. Trước cửa chung cư là khu ăn chơi hạng sang Cabana. Trong chung cư có khá đông người Thái. Trước kia, 1999-2000, có rất nhiều gái làng chơi trọ ở đây, cứ đến giờ ăn trưa là các em ríu rít vào gara lái ô tô đi “làm”, phô ra các hình xăm mà con nhà lành bố bảo cũng không dám có. Nay thì nhiều khách Tầu (nói tiếng Quan hoả) hơn và các em cũng biến gần hết, chắc là tìm chỗ rẻ hơn.
Tại chung cư luôn có taxi đợi sẵn hoặc leo cầu đi bộ ra xe buýt nếu có bản đồ trong tay. Buổi tối xe buýt thẳng một lèo chừng 30 phút là đến sòi Cowboy. Taxi phải hơn một đô. Đến đây ban ngày thì có thể nhảy lên tầu điện sky train để đi mua sắm. Ban đêm thì không phải đi tiếp. Chập tối sòi Cowboy đã đầy các em son phấn đứng ra níu kéo khách vào quán của mình. Tầm 16-18 giờ là “happy hour” hay “crazy hour”, bia hạ giá còn một nửa. Tầm 22 giờ cho đến 2 giờ sáng là “show time”.
Phải có mặt lạnh như đít bom thì mới qua hết các khoản mời chào để đi tìm quán mình thích. Quán Suzy wong nổi tiếng với các loại múa đồng tính nữ mà khách đàn ông mới xem thôi đã thấy mồ hôi toát ra đầy người. Quán Baccara đặc biệt có sàn tầng hai bằng kính, cả trên lẫn dưới đều có hàng đàn các em ôm cột từ hai mảnh, một mảnh cho đến không mảnh nào. Quán Doll house chiếu đèn cực tím nên hai mảnh phát sáng còn da các em đen nhẻm. Nếu mặt không lạnh thì khi vừa ngó vào bạn sẽ bị một hay nhiều cô ngồi ngay lên đùi và đòi đồ uống. Bia của khách chỉ 90 bạt một chai nhưng bia của gái phải 150 bạt và các em được ngay một tích kê 45 bạt để nhét vào triumph hết giờ đem vào lĩnh tiền. Nếu bạn chỉ muốn tận hưởng các cảnh ôm cột với cái giá vài trăm bạt thì tốt nhất là từ chối ngay từ đầu. Còn nếu bạn muốn uống bia ôm thì cứ việc chọn một em vẫy tay một cái là xong. Không có cảnh các em khui bia tanh tách như ở VN mà ai uống gì thì gọi nấy, một chai ngâm hàng tiếng cũng vô tư. Gái có muốn uống thêm cũng phải chắp tay xin phép và bạn hoàn toàn có quyền từ chối. Tất nhiên là các em sẽ tiếp tục câu chuyện về “short time” hay “long time” và cuộc mặc cả có thể kết thúc khi bạn thanh toán và trả tiền phạt cho chủ quán để đưa một em về khách sạn. Nếu bạn không muốn thì chỉ việc gọi thanh toán rồi bỏ đi. Lý do để khỏi phải dắt gái về là "anh còn đi tiếp quán khác".
Ban đêm các tiệm massage từ A đến C và đến Z bật đèn sáng trưng dọc đường Petburi, Ratchada hay Rama IX. Nhưng biển hiệu to nhất sáng nhất bao giờ cũng là tiếng Thái, ngang với đánh đố người nước ngoài. Đơn giản là khách hàng người Thái chiếm đa số với hàng trăm chiếc xe con đỗ dày đặc trong bãi vào tối thứ sáu. Khách Tầu đại lục và khách Nhật kéo nhau vào hàng đoàn, đi cả cái xe máy lạnh du lịch to tướng vào đổ quân. Tây mũi lõ có lẽ không thích phố Petburi bằng sòi Cowboy, Patpong hay Nana. Cuộc vui thường kéo đến hai giờ sáng.
Natasha không ở nước Nga
Buổi sáng các siêu thị 10 giờ mới mở cửa. Tôi rất hay ăn trong các siêu thị, khi thì lấy coupon vào khu vực ăn uống, khi thì kiếm một hàng gà rán KFC. Sau khi bê khay đựng túi chicken snack, khoai tây chiên và cốc Pepsi ra bàn, tôi thấy giọng tiếng Nga quen thuộc đang nói ở bàn bên cạnh. Nhìn sang thấy hai cô gái Nga rất trẻ đang nói chuyện, họ chẳng bao giờ nghĩ là ở cái nơi xa xôi này lại có thằng thạo cái thứ tiếng khó nhằn của họ. Tôi bèn chào và xin được ngồi cùng bàn. Hai cô đồng ý. Chính tôi cũng không nghĩ là mình có thể phun ra thứ tiếng Nga lưu loát như vậy sau 12 năm không nói tiếng Nga. Có lẽ Internet đã giúp tôi vì tôi vẫn thường xuyên đọc tiếng Nga trên mạng.
Mới đầu là những chuyện thông thường như em nào ở thành phố nào, anh đã học ở đâu, bọn đầu trọc và Hồi giáo quấy phá gì ở Mát không. Chỉ một lúc thì hai cô lộ chân tướng là đi sang đây bán cái vốn tự có. Họ than thở là ở Bangkok đã mấy tuần mà không được đi chơi các nơi khác của Thái như Pattaya hay Phuket. Họ hỏi tôi nếu có đi thì mang một trong hai cô đi theo cùng với, tất nhiên là họ phải xin “boss” cho nghỉ việc và phải có một ít tiền để đền bù cho “boss” những ngày họ không làm việc ở nhà. Tôi cũng không tiện hỏi là “boss” của họ là tiệm massage hay bar CM2 nhưng dường như họ lại tự nói ra là họ phải qua một “boss” người Nga quản lý và ở luôn chỗ ông ta chứ không trực tiếp đàm phán với chủ người Thái. Chữ “boss” luôn được nói bằng tiếng Anh.
Hai cô than thở tiếp là ở Nga tình hình rất tồi tệ so với thời vàng son mà tôi sống. Tôi giải thích là thời tôi sống ở đó thì Brêgiơnép đã là một thằng hề và chẳng có tí vàng son nào. Các cô nói nếu không khổ thì họ đã chẳng phải qua đây kiếm công ăn việc làm. Tôi cho họ biết là đồng lương của họ là mơ ước đối với vài trăm ngàn gái bán hoa tại Việt Nam, nhất là hàng chục ngàn cô đang sống tủi nhục tại Cămpuchia để kiếm có vài đô la một ngày.
Tuy hơi bóc mẽ nhưng được cái tôi hay pha trò và luôn dùng trích câu các tác phẩm gốc của Lê Nin để mô tả những thứ đang xảy ra nên chúng tôi có một cuộc nói chuyện vui vẻ đầy tiếng cười. Tôi không dám đi quá xa đến mức xin điện thoại hai cô vì tôi biết bọn mafia Nga rất mạnh tay. Vả lại người nhỏ bé như tôi không zại gì lấy đạn 12ly7 mà đút vào pháo 122ly để bắn.
Mua hàng
Cái thú vui lành mạnh nhất ở Bangkok là đi mua sắm. Vào một trung tâm thương mại to lớn và sang trọng nào cũng thấy nườm nượp người đi mua sắm. Có lẽ người Thái không bị cái tâm lý tích luỹ cho thời kỳ quá độ hay lo lắng mua từng mét vuông đất vốn thâm căn cố đế trong đầu người Việt cho nên đa số luôn mua sắm khi họ có tiền. Kinh tế thị trường chỉ mong có vậy, nếu ai cũng bỏ tiền vào ống thì tư bản phải đào mồ chôn cho nhanh. Trước khủng hoảng các máy rút tiền ATM được gắn chìm trong tường nhà băng hoặc siêu thị, còn nay thì máy ATM chỉ to bằng cái tủ lạnh 100 lít lù lù mọc ngay từ dưới sàn lên ở trong các siêu thị. Dân nghèo mới phải dùng đến cái máy đó, dân giàu như tại trung tâm thương mại Central Chidlom thì dùng thẻ tín dụng để mua mọi thứ từ bàn chải đánh răng cho đến ti vi tủ lạnh. Tôi nhớ là xứ nhà quê như Nỏng Khai thẻ tín dụng cũng được siêu thị chấp nhận mà chẳng mất phần trăm nào.
Không phải vất vả lắm tôi đã mua được một số giầy dép quần áo đủ mặc cho một năm và làm thêm một cái quạt National điều khiển từ xa cho hành lý chẵn 20 kg. Cái khoái khi mua đồ ở Thái là nó đa dạng chứ không theo một trào lưu “thời trang” nào cả. Lúc đem tất cả hoá đơn định xin thủ tục hoàn thuế VAT thì mới biết là mình đã mua ở ba công ty khác nhau trong cùng một toà nhà nên xé lẻ ra không đủ mức hoàn VAT.
Về nước
Nhẩm tính thấy quay về bằng tàu hoả rồi sang Viên Chăn đi máy bay thì mất một ngày một đêm với tổng số tiền lên tới 160 đô, trong đó mất đứt 30 đô tiền thị thực quá cảnh Lào. Thế mới biết hàng ngày báo chí ra rả nói về tình hữu nghị đặc biệt nhưng lại không ai nói là đến nay Lào - Việt chưa đàm phán nổi hiệp định miễn thị thực. Trên thế giới này cứ hai nước nào có hiệp định miễn thị thực song phương mới gọi là hai nước thân thiết. Nếu đi máy bay thẳng từ Bangkok về Hà Nội chỉ mất có 128 đô tiền vé một chiều của Hàng không VN. Chênh lệch như vậy thì khỏi phải suy nghĩ, tôi kiếm ngay một vé Hàng không VN để về Hà Nội.
Hai ngày hai đêm lang thang một mình ở Bangkok tôi không thấy một người Việt Nam nào (trừ mail của xeko). Ra đến sân bay thì gặp nhiều người Việt Nam đi cùng chuyến. Có nhiều người đi theo đoàn du lịch mua mỗi người hai thùng bột giặt 5kg. Lại có đoàn không biết mua gì bèn làm cho chục thùng nước uống Spy (màu giống rượu vang nhưng rẻ như bèo). Nhìn mấy tạ hàng rẻ tiền mà lại cưỡi máy bay chở khách tôi cảm thấy ngán cho ngành nhập khẩu Việt Nam đã để một lỗ hổng thị trường. Lần trước tôi còn thấy có bà làm nguyên một bao tải gạo (tầm 30 kg) lên máy bay. Người Thái ít khi họ làm như vậy (trừ khi về Việt Nam) vì họ hay gửi hàng riêng, người đi riêng hoặc là đánh xe bán tải (pick-up) của chính mình. Xe liên tỉnh Thái cũng vậy, người đi xe người, hàng đi xe hàng. Một thằng trẻ con cũng hiểu là xe chở hàng rẻ hơn xe chở người.
Rồi thì cũng về đến nhà. Tôi chỉ mong một ngày Lào và Singapore bỏ thị thực cho người Việt. Khi đó tôi sẽ làm một chuyến đi tàu hoả từ Thái Lan đến Singapore, có dừng chân ở Malaysia.
Tháng 10/2002